Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để có hướng điều trị hiệu quả hơn. Tuy nhiên khám và xét nghiệm thế nào thế nào là đủ và đúng? Bên cạnh đó, hiện một số phòng khám chuyên “vẽ ra chuyện” hoặc có xu hướng lạm dụng xét nghiệm và kỹ thuật cao cũng khiến người ta e dè.

          Bác sỹ Lê Tuấn Anh, Bệnh viện quân y 103 cho biết: “Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi khám sức khỏe tổng quát đều không hiểu ý nghĩa của các xét nghiệm, phương thức và điều kiện để lấy mẫu xét nghiệm. Khi thấy một loạt các mục xét nghiệm được đưa ra, bệnh nhân thường nhắm mắt chọn tất cả cho… chắc ăn mà không biết rằng có một số xét nghiệm chỉ cần thiết trong trường hợp đã xác định bệnh lý hoặc xét nghiệm để chuẩn bị cho thủ thuật. Khi được tư vấn về các mục xét nghiệm, bệnh nhân mới ngớ người vì có những mục xét nghiệm rất cần thiết lại vô tình bỏ qua vì nghĩ không quan trọng”.

           Danh mục các xét nghiệm cần thiết trong kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể được kể tên tùy theo nhóm đối tượng. Có rất nhiều nhóm bệnh khác nhau nên việc tầm soát và thăm dò không thể nào đảm bảo 100%, chỉ giới hạn trong những bệnh thông thường và nguy hiểm nhất.

           Theo PSG.TS. Bùi Văn Trân, Giám đốc chuyên môn Trung tâm xét nghiệm công nghệ cao HVQY, có một số xét nghiệm cần thiết mà mọi người cần thực hiện định kỳ mỗi lần khám sức khỏe định kỳ như sau:

1. Công thức máu

         Nhằm xác định định lượng các thành phần của máu (hồng cầu, bạch cầu..) và một số tính chất của chúng (ví dụ như độ lớn, lượng hêmôglôbin) trong mẫu thử máu thường lấy ra từ mạch máu gần khuỷu tay. Nó cho ta biết cơ thể có gì bất thường không: bị nhiễm trùng, bệnh ung thư máu… Ngoài số lượng hồng cầu, bạch cầu, người ta còn đếm số lượng bạch cầu trung tính và bạch huyết bào.

2. Đường máu

         Xét nghiệm này giúp xác định nồng độ đường trong máu (nhằm xác định nguy cơ mắc bệnh tiểu đường). Việc lấy máu phải được thực hiện sau ít nhất 8 giờ nhịn đói. Chế độ ăn những ngày trước khi làm thử nghiệm phải bình thường. Không được hút thuốc trước khi lấy máu.

3. Chức năng gan

           Đó là các men alanine amino transferase (ALAT hoặc SGPT) và men aspartate amino transferase (ASAT hoặc SGOT). Những thông số này cho phép chẩn đoán bệnh ở gan (do virus, rượu hoặc ung thư), tuy nhiên nồng độ các men này cũng tăng ở bệnh viêm tuyến tụy hoặc nhồi máu cơ tim.

4. Chức năng thận

          Xét nghiệm đánh giá hoạt động đào thải các độc tố và nước qua đường nước tiểu, cân bằng môi trường kiềm toan, điều hoà các yếu tố vi lượng thông qua các chỉ số ure, creatin. Các xét nghiệm này cho phép đánh giá tình trạng suy giảm chức năng của thận

5. Xét nghiệm mỡ máu

          Nhằm đo hàm lượng cholesterol và triglycerid, trong đó có lượng cholesterol toàn phần, LDL (cholesterol xấu) và HDL (cholesterol tốt).

Xét nghiệm này giúp chẩn đoán tăng cholesterol máu được đặt ra nếu hàm lượng chất này trong máu cao hơn 2,50 g/l. Triglycerid được coi là cao nếu tăng quá 2 g/l.

6. Xét nghiệm a. Uric

          Xét nghiệm này giúp xác định nồng độ a. Uric trong máu để đánh giá nguy cơ bệnh lý Gút. Đây là một bệnh lý khá phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay.

7. Xét nghiệm cơ bản nước tiểu

          Xét nghiệm này cho thông tin không chỉ về hoạt động của thận, mà qua đó còn biết về hoạt động của các bộ phận khác (ví dụ gan và tụy). Nó cũng cho biết trong hệ thống bài tiết nước tiểu có viêm nhiễm không.

8. Xét nghiệm các marker ung thư

          Với sự tiến bộ của khoa học, các khối u khi phát triển thường tiết ra một vài yếu tố đặc hiệu gọi là marker. Tuỳ từng loại mà có marker khác nhau để phát hiện bệnh lý khối u. Thông qua xét nghiệm máu, hiện nay có rất nhiều marker cho các loại ung thư. Tuỳ theo nhu cầu cá nhân nên định kỳ kiểm tra các marker theo từng nhóm đối tượng. Ví dụ: nam giới thì cần quan tâm đến ung thư phổi, gan, vòm họng, đại tràng, tiền liệt tuyến; còn nữ giới thì cần quan tâm đến ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng, tuyến giáp.

          Tùy thuộc vào kết quả của những xét nghiệm trên, các bác sỹ sẽ tầm soát tiếp cho bạn những xét nghiệm cần thiết, để xác định chẩn đoán cho chính xác.